WikiStock
Tiếng Việt
Tải về
Trang chủ-Tin tức-

Nhập khẩu 6 triệu tấn thép cán nóng, nguy cơ cho sản xuất trong nước?

iconStockbiz

2024-07-22 07:48

Gần 6 triệu tấn thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, tăng 32% so với c

  Gần 6 triệu tấn thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, tăng 32% so với cùng kỳ và gấp 1,73 lần so với lượng sản xuất trong nước. Đây quả là con số đáng báo động.

  Lượng nhập khẩu thép các loại nói chung và thép cán nóng HRC giá rẻ vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây liên tục tăng cao khiến các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước e ngại về một kịch bản xấu cho nền sản xuất thép trong nước.

  Báo động lượng nhập khẩu

  Theo dữ liệu Hải quan Việt Nam công bố, tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Về giá, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45- 108USD/tấn.

  Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

  Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ đô la Mỹ, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ đô la Mỹ. Các mác thép nhập khẩu chủ yếu là Q195, Q235, những mác thép này có chất lượng không cao, với giá thấp hơn ASTM, SPHC và các mác khác từ 74-97 USD/tấn.

  Được biết, thép cuộn cán nóng (HRC) là thép nền - nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất ống thép, tôn mạ, thép kết cấu, vỏ container và nhiều sản phẩm hạ nguồn khác.

  Nói về nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, ông Đồng Thanh Tùng - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Gần đây, tình trạng dư cung thép ở các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan liên tục diễn ra khiến các thương nhân tại các quốc gia này đẩy mạnh việc tiêu thụ thép giá rẻ vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia chưa áp dụng các hàng rào thuế quan hoàn chỉnh để bảo vệ sản xuất trong nước”.

  Đối với các nước bị nhập khẩu thép nhiều như Việt Nam thì ngày 30/6/2024, TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, nước này sẽ sớm áp dụng mức thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc để giảm thiểu tác động của cạnh tranh thương mại đang diễn ra. Bộ trưởng Zulkifli Hasan cho biết chính sách này sẽ có hiệu lực sau khi quy định liên quan được ban hành.

  Đối với Thái Lan, hiện lượng sản xuất của quốc gia này chi đáp ứng khoảng 43% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên ngày từ năm 2019 cả Thái Lan và Indonesia và Indonesia đã áp thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu MFN.

  Việt Nam hiện đang có vị thế dẫn đầu Đông Nam Á về sản xuất thép và đứng Top 12 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Dù năng lực sản xuất thép cán nóng HRC đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 8,5 triệu tấn/năm nhưng Việt Nam lại không áp dụng thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước.

  Việt Nam hiện đang có vị thế dẫn đầu Đông Nam Á về sản xuất thép và đứng Top 12 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới

  Nguy cơ cho sản xuất trong nước

  Ông Phạm Chí Cường – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định: Việc nhập khẩu ồ ạt sản phẩm thép nói chung và thép cán nóng giá rẻ nói riêng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế khiến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải thu hẹp sản xuất, sa thải lao động, thậm chí đóng cửa. Thực tế trong năm 2023 và đầu năm nay nhiều nhà máy sản xuất thép nội địa đã buộc phải đóng bớt các dây chuyền sản xuất.

  Ông Cường cũng cho biết để có thể sản xuất được thép công nghệ cao, thép cuộn cán nóng, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD để cho ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Nếu cứ để sự việc này tiếp tục diễn ra và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép và doanh nghiệp Việt Nam.

  Cách đây 7 năm, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá ở mức cao nhất là 38,34% đối với thép mạ hay còn gọi là tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, qua đó giảm nhập khẩu thép mạ từ 19 triệu tấn năm 2016 xuống còn 15 triệu tấn chỉ sau một năm sau đó. Chính vì lẽ đó mà sản xuất thép mạ trong nước đã phát triển rất nhanh, ổn định. Chúng ta không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu ra trên 30 nước trên thế giới. Sản phẩm thép mạ của Việt Nam có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, EU….

  Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khẳng định: Về tương lai thì ngành công nghiêp hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Thép công nghệ cao hay nguyên liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ là rất cần thiết, hàng năm chúng ta vẫn phải phụ thuộc nhiều vào lượng nhập khẩu. Để chủ động và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ quốc tế thì Việt Nam phải nhanh chóng chủ động nguồn thép chất lượng cao trong nước. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đói với ngành thép là rất cần thiết.

  Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thuận – Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Theo thông lệ, việc khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp Phòng vệ Thương mại được thực hiện khi có đầy đủ 3 điều kiện đó là: Thứ nhất là có hành vi cạnh tranh không công bằng, bán phá giá hay trợ cấp hoặc gia tăng đột biến với hàng nhập khẩu; Thứ hai là có Thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hai với ngành sản xuất nội địa, Thứ ba là có mối quan hệ nhân quả giữa việc cạnh tranh không công bằng, gia tăng hàng nhập khẩu với thiệt hại của ngành sản xuất nội địa.

  “Áp dụng phù hợp, kịp thời và chủ động các biện pháp cạnh tranh thương mại đối với sản phẩm thép cán nóng HRC sẽ giúp giảm áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm nhập khẩu, giúp thị trường nội địa bớt phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, việc áp dựng các biện pháp phòng vệ thương mại còn giúp các doanh nghiệp nội địa không bị đe dọa bởi các hành vi cạnh tranh ko công bằng do việc bán phá giá hoặc trợ cấp hoặc không bị ảnh hưởng lớn đối với sự gia tăng quá nhanh của hàng nhập khẩu”, ông Thuận quả quyết.

  Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Việt Nam cũng cần xem xét lợi ích cơ bản chiến lược dài hạn để điều chỉnh và áp thuế sao cho hợp lý đối với các mặt hàng thép giúp ổn định sản xuất trong nước, chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho phát triển kinh tế đất nước.

  Được biết chỉ trong vòng tháng 6 năm 2024, Bộ Công thương cũng đã liên tiếp ra 6 quyết định khởi xướng điều tra, điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với ngành thép trong nước. Ngày 14/6 Bộ Công thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hò sơ đầy đủ, hợp lệ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ.

  Tiến Dũng-Link gốc

Miễn trừ trách nhiệm:Các ý kiến ​​trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.