WikiStock
Tiếng Việt
Tải về
Trang chủ-Tin tức-

Ông Hoàng Nam Tiến bày cách tạo mối quan hệ cho doanh nghiệp: 'Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng'

iconCAFEF

2024-07-01 18:40

"Tôi có một câu nói thường chia sẻ với học viên: 'Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng'. Nghĩa là không nhất thiết chúng ta phải đau khổ, mất tiền mới nhận được bài học", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

  Làn sóng khởi nghiệp đang trở thành điểm nóng, là nỗi trăn trở của cộng đồng doanh nhân trong thời gian gần đây. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có khoảng 10% nhà khởi nghiệp thành công, 90% còn lại nhận lấy thất bại.

  Bàn về vấn đề khởi nghiệp, mới đây Rising Vietnam đã có buổi trò chuyện với ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động của Viện Quản trị và Công nghệ FSB về quy tắc tạo mối quan hệ giúp doanh nghiệp kết nối thành công với những đối tác xuất chúng. Ông đã đưa ra những nhận định thú vị.

  Lý do “chết trước bình minh” của nhà khởi nghiệp

  Người trẻ khởi nghiệp chỉ có 3 - 5% thành công, còn lại hơn 90% thất bại. Về điều này, ông Tiến cho rằng: Muốn thành công cần có kinh nghiệm, muốn có kinh nghiệm cần mất tiền. Điều thứ 2, muốn đi đến thành công cần có nhiều trải nghiệm, trải nghiệm thường đau thương.

  Tôi có một câu nói thường chia sẻ với học viên: 'Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng'. Nghĩa là không nhất thiết chúng ta phải đau khổ, mất tiền mới nhận được bài học. Chúng ta có nhiều con đường khác, có thể đi học, gặp những người xuất sắc, kết nối với mọi người,... Nếu cắm đầu vào làm thì đâu biết chiếc bánh xe đang đi hình vuông, trong khi có con đường khác, người ta dùng bánh xe là hình tròn.

Ông

  Ông Tiến cho rằng, nếu mọi người nghiêm túc, thực sự dành thời gian suy nghĩ một cách cẩn thận thì con đường đi sẽ suôn sẻ hơn nhiều. Đó là con đường không mất tiền, không đau thương.

  Quay về start-up, thường chỉ có 3 - 5% người khởi nghiệp thành công, còn lại là thất bại. lý do thất bại bởi họ có ý tưởng xuất sắc, năng lực xuất sắc 1 lĩnh vực nhưng chỉ sợ người khác cướp mất ý tưởng, không dám chia sẻ với các nhà đầu tư.

  “Để có vốn, bạn phải đi vay tiền bố mẹ, thế chấp nhà nhưng chưa kịp tới thành công đã phải dừng lại, chúng tôi gọi là 'chết trước bình minh'. Vì vậy, các bạn cần thay đổi tâm thế. Hãy viết ra những thứ đang suy nghĩ trong đầu một cách rõ ràng, đây là cách kiểm tra lại ý tưởng, sau đó tìm người bạn xuất sắc để trình bày và được nghe phản biện, rồi tìm đến các 'nhà đầu tư thiên thần'. Kết hợp ý tưởng hay và mới mới có thể khởi nghiệp được”, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho biết.

  Ông Tiến còn bày tỏ, ông ghét những người “nghe đài, đọc báo” về khởi nghiệp rồi đi khuyên người khác cứ khởi nghiệp đi, thất bại sẽ có bài học. Họ không biết họ đang rất ác khi lấy đi lòng tin của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, dẫn đến nhiều sai lầm.

  Học cần gắn liền với thực chiến

  Ông Tiến nhớ lại vào năm 2011, khi ông là Chủ tịch FPT Software - cũng là loại khởi nghiệp với cá nhân ông. Ông Tiến đã loay hoay trong việc tiếp thu kiến thức, cuối cùng quyết định chọn sang Ấn Độ để học tập và gặp được người thầy tầm cỡ. Chúng ta phải tìm được người giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó để học hỏi họ. “Làm sao để những người vô cùng đặc biệt trò chuyện với mình, tiếp mình, chia sẻ những bí quyết lại cần có cách riêng”, ông Tiến nhấn mạnh.

  Trong công việc, khi gặp vấn đề, cách giải quyết đầu tiên của ông Tiến là đi học và ông sẽ chọn những trường giỏi nhất trong điều kiện cá nhân. Ông đang theo 2/3 trường học về lĩnh vực Quản trị kinh doanh tốt nhất trên thế giới, ngang tầm cỡ Đại học Harvard.

  Ở trường, ông được gặp những người thầy giáo giỏi, bạn học giỏi. Họ là những người thật sự xuất sắc, chia sẻ cho ông Tiến những bài học về xây dựng hệ thống phân phối, giải quyết khủng hoảng Marketing, điều hành hệ thống phân khối toàn cầu,...

  Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho rằng, việc học ngày nay khác rất nhiều so với ngày xưa, học cần gắn liền với thực chiến, học cần gắn liền với áp dụng thực tiễn, giúp doanh nghiệp “start-up” thành công.

  Không ai sinh ra trên đời là hoàn hảo, giỏi mọi thứ, vì vậy mỗi người cần tự học mỗi ngày và đi học. Bạn có thể là một người xuất sắc trong lĩnh vực ngoại ngữ, thiết kế, kinh doanh,... nhưng nếu cái nhìn toàn diện cho một doanh nghiệp “start-up” trong tương lai thì khó đi đến thành công. Quản trị nhân sự là yếu tố sống còn với doanh nghiệp lên tới 100 nhân sự. Đó còn là những phương pháp như xu hướng marketing,...

  Nếu bạn không muốn kinh doanh thì hãy nỗ lực trở thành “master” trong lĩnh vực của bạn. Đây là điều vô cùng quan trọng, giúp bạn trưởng thành trong công việc.

  Có nhiều người thắc mắc: Có nên đi học Quản trị kinh doanh trước khi khởi nghiệp hay bắt tay vào làm rồi đi học sau? Trước câu hỏi này, ông Tiến bày tỏ: “Chúng tôi thường yêu cầu đã đi học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh là phải có trải nghiệm. Chúng ta nên có một chút kinh nghiệm rồi đi học sẽ có giá trị hơn”.

  Những người từng kinh doanh, có kinh nghiệm thực chiến rồi đi học MBA sẽ giúp có cái nhìn toàn diện về một doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp không chỉ có bán hàng, marketing bởi đó là góc nhìn không đầy đủ. Quản trị doanh nghiệp xuất phát ở cách hoạch định và triển khai chiến lược, quản trị tài chính, đặc biệt là quản trị dòng tiền. Ngoài ra, nhà khởi nghiệp phải biết quản trị nhân sự, đặc biệt là xây dựng hệ thống nhân sự. Bạn còn cần quản trị khách hàng, quản trị bán hàng, quản trị nhà cung cấp, quản trị sản xuất, công nghệ,...

Ông

  Ông Hoàng Nam Tiến.

  Bí quyết tiếp cận với người giỏi

  Để tiếp cận, học hỏi được với những người giỏi cần có bí quyết riêng. Ông Tiến bật mí, với mỗi một người, ông lại có cách tiếp cận khác nhau. Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT đã kể câu chuyện một lần ăn tối với top 10 nhà lãnh đạo xuất chúng nhất thế giới. Bữa tối xoay quanh các lĩnh vực như văn hoá, ẩm thực, con người,...

  Đúng lúc đứng lên chia tay, ông Tiến đã hỏi vị lãnh đạo về 1 cuốn sách mà thực sự cần phải đọc. Sau 3 ngày, ông Tiến lại viết mail cho vị lãnh đạo để tiếp tục “làm phiền” về 3 câu hỏi. Ông Tiến đã rất ngạc nhiên khi vị lãnh đạo trả lời ngay lập tức. Sau đó, khi ông Tiến bay sang Nhật Bản, giữa 2 người đã có những bữa ăn tối tiếp theo. Ông Tiến đã mang theo cuốn sách đó để làm chủ đề trò chuyện, sự kết nối được nâng lên. Ông Tiến đã biến một lãnh đạo top 10 doanh nghiệp trên thế giới trở thành người bạn để tâm sự, để học hỏi.

  Ông Tiến đùa vui: Thỉnh thoảng tôi cũng phải lợi dụng mối quan hệ một chút. Một lời giới thiệu sẽ giúp tôi xoá nhoà khoảng cách, tiết kiệm thời gian để có những mối quan hệ, bước tiến khác với khách hàng.

  Có 1 lý thuyết là 3 vòng tròn quan hệ. Có bao giờ bạn thắc mắc nhiều người thành công nhưng chưa thành công xuất sắc. Lý do là chúng ta thường dành 80% để có những mối quan hệ ngang hàng (giàu bằng mình, tuổi tác bằng mình, vị thế bằng mình, đồng cấp như mình). Vì thế, chúng ta rất khó phát triển. Còn bí quyết của những người thành công là dành ra thời gian xứng đáng để quan hệ với những người cao hơn mình, cao hơn về địa vị xã hội, giàu có hơn, kiến thức cao hơn,....

  Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT còn chia sẻ, nếu muốn phát triển, bạn còn cần chuẩn bị cho thế hệ tương lai. Bạn không thể tự làm mọi việc. Nếu chúng ta không dành thời gian xứng đáng cho những người trẻ hơn mình, non nớt hơn, vị trí thấp hơn thì bản thân sẽ khó phát triển.

Miễn trừ trách nhiệm:Các ý kiến ​​trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.