Giải pháp thúc đẩy thị trường vốn xanh
Để thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần nhiều giải pháp như xây dựng quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi.
Tại Diễn đàn Tài chính xanh 2024 được tổ chức chiều ngày 22/07/2024, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc giacho rằng tài chính xanh đang là xu hướng tất yếu, trở thành một yếu tố then chốt của hệ thống tài chính toàn cầu.
TS. Cấn Văn Lực cho biết tính đến hết quý 1/2024, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 637,000 tỷ đồng (tại 47 tổ chức tín dụng ), chiếm tỷ trọng khoảng 4.5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2.9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023.
Đi cùng sự phát triển, ông Lực nhận thấy hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Đơn cử như việc chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan đến tài chính xanh như chưa có các quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh....
Cùng với đó, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế.
Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng, về lãi suất... cũng là một trong những thách thức còn tồn tại, ông Lực đánh giá.
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở việc các dự án xanh thường có kỳ hạn dài, có thể lên đến 20 năm, chi phí đầu tư lớn... trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.
Ông Lực cho biết thêm hiện nay, nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Nhận thức của thị trường đối với ESG, tài chính xanh và bền vững chưa cao và đồng đều. Việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.
Cũng tại diễn đàn, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng thách thức phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam là khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện. Doanh nghiệp chưa nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững và hạn chế kiến thức về tài chính xanh.
Đồng thời, các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập (trước và sau phát hành) cũng là thách thức cho sự phát triển của thị trường.
Giải pháp thúc đẩy thị trường vốn xanh?
Để thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh, TS. Cấn Văn Lực nêu loạt giải pháp như xây dựng quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi.
Các tổ chức tín dụng cũng cần xem xét xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh. Đồng thời, các đơn vị cần có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau hoặc đặc thù với tín dụng xanh.
Vấn đề về tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo cán bộ về những lĩnh vực như ESG, năng lượng tái tạo, sản xuất - tiêu dùng xanh... cũng cần được đẩy mạnh để các hoạt động thẩm định, thiết kế sản phẩm và quản lý rủi ro được thực hiện phù hợp và hiệu quả hơn.
Ông Vũ Chí Dũng cho rằng các đơn vị cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh.
Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại chỉ số VNSI (chỉ số phát triển bền vững) để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Cát Lam
FILI
Các công ty giấy tăng giá, thị trường đang cải thiện
Có kính AI sẽ là xu hướng tiếp theo không?
Thị trường cổ phiếu A tiếp tục giảm dưới mức kỷ lục
Chỉ số Hang Seng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, đóng cửa thấp hơn 301 điểm
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP