WikiStock
Tiếng Việt
Tải về
Trang chủ-Tin tức-

‘Bắt mạch’ nhiều điều bận tâm của doanh nghiệp FDI

iconStockbiz

2024-07-16 11:19

Những nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nên nhanh chóng có “liều thuốc” thích hợp, kịp th

  Những nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nên nhanh chóng có “liều thuốc” thích hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Nhất là khi chính các doanh nghiệp FDI đang tự “bắt mạch” nhiều điều bận tâm của họ, từ mối lo thay đổi chính sách thuế cho đến một loạt trở ngại hàng đầu trong kinh doanh.

  Mới đây, nhân góp ý hoàn thiện luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đã lưu ý chính sách thuế cần tránh chồng chéo, tạo nhiều sức ép tài chính từ nhiều nghĩa vụ khác nhau cùng một lúc, đồng thời cần tiếp tục có chính sách phù hợp để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

  Từ mối lo thay đổi chính sách thuế và trở ngại kinh doanh

  Lẽ đương nhiên, như chia sẻ của ông Thành, chính sách thuế cần phù hợp với thực tiễn để không ảnh hưởng đến doanh thu thuế của Nhà nước. Tuy vậy, điều cần tránh là không gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, làm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến niềm tin và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư lâu năm tại Việt Nam.

  Rất cần củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất trong khu vực.

  “Các thay đổi chính sách thuế rõ ràng không cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo sức ép nghĩa vụ tài chính cho các doanh nghiệp (DN) khi cùng lúc phải thực hiện trách nhiệm từ các chính sách khác nhau”, ông Thành bày tỏ.

  Hoặc khi bàn về tác động của chính sách thuế đối với đồ uống có đường (đang có đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml) trong kiểm soát bệnh thừa cân béo phì, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã khuyến nghị Việt Nam cần xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.

  Bởi lẽ, như khẳng định của AmCham, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường không phải là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm.

  Hơn nữa, dự thảo luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến tăng thuế Giá trị gia tăng của đường từ 5% lên 10%. Như vậy nếu áp thêm thuế Tiêu thụ đặc biệt thì nước giải khát có đường sẽ bị tăng thêm 2 thuế cùng một lúc. Đây sẽ là mối băn khoăn rất lớn cho các DN FDI trong lĩnh vực này.

  Bên cạnh những bàn cãi về chính sách thuế nêu trên, cũng nên nhắc đến vấn đề bất cập được Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đưa ra vào ngày 15/7 khi công bố Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh - BCI quý 2/2024 (thu thập phản hồi từ mạng lưới gồm 1.400 thành viên của EuroCham Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau), đó là có tới 43% DN phản ánh các quy tắc và luật lệ không rõ ràng, thiếu tính nhất quán là một trong mười trở ngại hàng đầu trong kinh doanh của họ.

  Ngoài ra, theo EuroCham, một loạt trở ngại khác được các nhà đầu tư lưu tâm như: Thủ tục hành chính nặng nề, thiếu hiệu quả; Vấn đề về xin giấy phép và các chứng từ phê duyệt cần thiết; Khó khăn về visa, giấy phép lao động và các quy định lao động hạn chế liên quan đến người lao động nước ngoài; Thủ tục phê duyệt trùng lặp/thiếu nhất quán giữa các cấp chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền khác nhau; Vấn đề về thủ tục hải quan và định giá; Thiếu nhân tài và người có chuyên môn trong những lĩnh vực chuyên ngành tại địa phương; Thể chế phòng, chống tham nhũng chưa được hoàn thiện; Những thách thức liên quan đến tính minh bạch; Cơ sở hạ tầng cốt lõi chưa được hoàn thiện.

  Và phía EuroCham có đưa ra nêu bật 5 yếu tố để có thể cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy FDI vào Việt Nam từ các thành viên của họ. Cụ thể là: Hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; Tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; Phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi (đường, cảng, cầu...); Đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; Bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.

  Đến “liều thuốc” thích hợp để tăng thu hút vốn ngoại

  Theo đó, để đảm bảo tăng trưởng dài hạn và thu hút vốn FDI, điều mà Việt Nam cần làm là tinh giản bộ máy hành chính, ban hành luật, chính sách rõ ràng và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Như trong báo cáo chỉ số BCI quý 2/2024 của EuroCham, để khắc phục những rào cản hoạt động đã được xác định trước đó, cứ 3 DN thì có 1 DN bày tỏ rằng họ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tinh giản thủ tục hành chính và ban hành luật chính xác hơn.

  Vì thế, ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, chỉ rõ bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cộng đồng DN châu Âu và Việt Nam.

  Từ mối bận tâm của các nhà đầu tư ngoại như nêu trên, giới chuyên gia cho rằng để nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong thời gian tới cần chú trọng công tác đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, nhất là về mặt thủ tục hành chính và có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam.

  Song song đó, như lưu ý của Ts. Daniel Borer (Đại học RMIT), xét về thu hút dòng vốn FDI, mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về FDI. Thoạt nhìn thì đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cần phải tạo ra một môi trường kinh tế không chỉ dựa vào lao động giá rẻ để thu hút FDI.

  Theo Ts. Borer, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà Chính phủ đã khởi xướng sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam với tư cách một quốc gia chủ chốt trên toàn cầu. Ngoài ra, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang diễn ra là điều cần thiết nhằm mang lại sự ổn định và uy tín cho đất nước.

  Ts. Borer cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số biện pháp và thực hiện các dự án trọng điểm có lợi cho tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế. Kết hợp các biện pháp này với việc chuyển hướng thương mại đến các quốc gia gần hơn và thân thiện hơn, cũng như củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất FDI trong khu vực, sẽ giúp đất nước chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ “cơn bão” nào có thể xuất hiện trong tương lai.

  Tóm lại, những thông tin góp ý hay kết quả khảo sát thăm dò không khác gì việc chính các doanh nghiệp FDI đang tự “bắt mạch” mối bận tâm của mình. Từ đó, bằng sự cầu thị tích cực, những nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý sẽ cần nhìn nhận, rà soát lại những thiếu sót, hạn chế, để có “liều thuốc” thích hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

  Thế Vinh-Link gốc

Miễn trừ trách nhiệm:Các ý kiến ​​trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.