Những biến động trên thị trường hợp tác đầu tư thời gian qua đã khiến những “người thức thời” chuyển đổi mô hình kinh doanh để tránh trước rủi ro, đồng thời tạo một hướng đi mới bền vững hơn.
Nghĩ xa để đỡ lo gần
Cách đây một năm, H – một “tay chơi” có hạng về hợp tác đầu tư, vẫn còn than vãn về việc gọi vốn khó khăn do thị trường tài chính khủng hoảng, nhưng chỉ nửa năm sau đó, tình thế đã đổi khác. “Niềm tin đang dần trở lại, nhà đầu tư đã giảm tâm lý phòng thủ, bắt đầu xuống tiền nhiều hơn. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái, tiền đổ vào các hoạt động hợp tác đầu tư của công ty chúng tôi đã tăng 30% qua mỗi tháng”, H nói và cho biết, tình thế thuận lợi này vẫn đang tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024.
Dẫu niềm tin đã trở lại, việc kinh doanh cũng “dễ thở” hơn, song H cho hay công ty của anh hầu như đã đoạn tuyệt với mô hình hợp tác đầu tư cũ – tức công ty huy động vốn từ người dân, đem tiền đó để đầu tư bất động sản theo hình thức repo tài sản với lãi suất cao và thu lợi nhuận sau mỗi chu kỳ 6 tháng hoặc 1 năm.
“Giờ nhiều người nhảy vào làm hợp tác đầu tư, nhưng làm không chuẩn, gây hỗn loạn thị trường, thậm chí một số công ty đã đối diện với án hình sự vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này đã làm ảnh hưởng tới các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực. Chúng tôi thay đổi để tránh rủi ro”, H giải thích.
Hiện, công ty của H đã chuyển đổi sang cách làm mới. Theo đó, với khách hàng có vốn nhỏ, H ký hợp đồng vay vốn, dùng tiền đó để đầu tư, thu lợi nhuận và trả lãi cho người góp vốn. Với những khách hàng có vốn lớn, H đứng ra làm trung gian kết nối để khách hàng trực tiếp làm việc với bên cần vay vốn và chỉ thu phí trung gian. “Cách làm này chẳng những an toàn hơn mà còn giải quyết một vấn đề rất quan trọng trong đầu tư tài chính đó là lòng tin của khách hàng, khi họ được trực tiếp nắm giữ tài sản và chuyển nhượng”, H phân tích.
Trên thực tế, không phải ai cũng làm được như H, bởi khách hàng của công ty anh đa phần là khách lớn, giá trị mỗi lần xuống tiền đầu tư lên tới vài trăm tỷ đồng/người, do đó số lượng khách không nhiều. Trong khi đó, phần nhiều công ty làm hợp tác đầu tư khác chỉ có thể huy động được tiền từ khách nhỏ, giá trị từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/người, thậm chí vài chục triệu đồng/người, cá biệt chỉ vài triệu đồng/người. Cũng vì vốn huy động trên mỗi khách hàng nhỏ như vậy, số lượng khách hàng của các công ty này lên tới hàng nghìn, hàng vạn. Và đây là yếu tố dẫn đến rủi ro.
Tìm hiểu cho thấy, những năm qua, nhiều đơn vị nhỏ lẻ nhảy vào thị trường hợp tác đầu tư, dùng lãi suất cao làm “mồi nhử” khách hàng góp vốn. Lãi suất các đơn vị này cam kết trả cho khách hàng góp vốn thường dao động 3% - 6%/tháng (tương đương 36% - 72%/năm), thậm chí lên tới 8%/tháng (tương đương 96%/năm), cá biệt là 100%/năm. Có những bản hợp đồng hợp tác đầu tư chỉ dài… vài trang A4, điều khoản nổi bật nhất là lãi suất cam kết trả cho khách hàng góp vốn. Ngoài ra, vốn huy động được công ty dùng cho việc gì, kinh doanh ra sao… khách hàng hoàn toàn không biết. Tài sản bảo đảm cho khoản vốn huy động cũng không có.
H nhận xét, những hợp đồng có lãi suất trên 70% thì gần như chắc chắn là công ty huy động vốn không thể trả được. “Nó chỉ là lấy sau trả trước, kết cục là vỡ. Mình cũng thấy lạ là nhiều người hiểu biết tài chính cũng dính vào. Có người rót cả trăm tỷ đồng vào những hợp đồng như vậy”.
Theo H, hoạt động phổ biến nhất của các công ty hợp tác đầu tư là repo tài sản – tức bên cần vay tiền sẽ bán cho công ty hợp tác đầu tư một tài sản (thường là bất động sản) với giá chỉ bằng 50% giá trị thực. Hai bên kí thêm một thỏa thuận rằng bên bán tài sản sẽ có quyền mua lại tài sản đó sau một khoảng thời gian nhất định, với giá mua lại cao hơn giá bán ban đầu. Chênh lệch giá bán và giá mua lại là bao nhiêu phần % tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên, song thường không thấp hơn 30%/năm. Trong trường hợp bên bán tài sản không thể mua lại theo thỏa thuận, tài sản sẽ thuộc về công ty hợp tác đầu tư.
Một hoạt động phổ biến khác là huy động vốn vào cổ phần công ty, với lời hứa sau khi công ty lên sàn, hay có lợi nhuận cao, giá trị cổ phần sẽ tăng lên. Song, ở hình thức này, khách hàng sẽ không góp vốn trực tiếp vào công ty (để tránh công ty trở thành công ty đại chúng). Thay vào đó, chủ tịch công ty sẽ đứng ra ký hợp đồng với khách hàng. Sau này, khi công ty lên sàn, chủ tịch công ty sẽ mua lại cổ phần từ khách hàng với giá cao hơn.
Tất nhiên, hợp tác đầu tư còn có nhiều “game” hơn nữa, song về cơ bản, bản chất của các “game” là như nhau.
Để đi xa hơn
Nói về triển vọng của hợp tác đầu tư, H cho rằng, mô hình này có triển vọng lớn tại Việt Nam, bởi nhu cầu của thị trường luôn thường trực và rất lớn, nhất là trong giai đoạn câu chuyện vốn cho doanh nghiệp trở nên căng thẳng như hiện nay.
Tuy nhiên, H rất quan ngại trước sự nở rộ của nhiều đơn vị làm hợp tác đầu tư kiểu chộp giật, không tuân thủ nghĩa vụ với khách hàng góp vốn, thậm chí khi bị cơ quan chức năng điều tra đã lộ rõ bản chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này không chỉ làm phương hại tới khách hàng mà còn gây tổn thương cho thị trường tài chính, vốn đang cần nhiều hơn những mô hình lành mạnh, bền vững, vì sự phát triển chung.
Bởi vậy, H đang tính tới việc phát triển một mô hình quản lý tài sản chuyên nghiệp, không chỉ với bất động sản mà còn với cổ phần doanh nghiệp. Mô hình này sẽ giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư, tức khi doanh nghiệp đang cần vốn nhất.
“Ví dụ doanh nghiệp đã có chủ trương đầu tư, đang thực hiện giải phóng mặt bằng, họ rất cần tiền, nhưng không được ngân hàng cho vay. Mà khi đó, họ cũng không có gì để cầm cố ngoài cổ phần doanh nghiệp. Mình sẽ repo cổ phần, như cách repo tài sản, để tài trợ vốn cho doanh nghiệp đó, đến khi họ có thể triển khai bán hàng, họ sẽ trả tiền cho mình”, H cho hay.
Các công ty giấy tăng giá, thị trường đang cải thiện
Có kính AI sẽ là xu hướng tiếp theo không?
Thị trường cổ phiếu A tiếp tục giảm dưới mức kỷ lục
Chỉ số Hang Seng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, đóng cửa thấp hơn 301 điểm
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP