SMC vẫn lỗ nặng dù có lãi 100 tỷ từ bán trụ sở
Trong bối cảnh ngành thép được cho là đã qua đáy và một số doanh nghiệp bắt đầu hồi phục, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) vẫn đang vật lộn với những khó khăn chồng chất. Bức tranh tài chính u ám của Công ty càng khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại về tương lai của doanh nghiệp này.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2024, SMC ghi nhận doanh thu thuần 2,240 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này phần nào phản ánh tình trạng của SMC, đang mắc kẹt vốn 1 ngàn tỷ đồng ở các khoản nợ xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 của SMCĐvt: Tỷ đồng
Đáng ngại hơn, Công ty lỗ gộp 67 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy các mảng kinh doanh của SMC vẫn đang rất khó khăn dù ngành thép được cho là đã qua đáy và một số doanh nghiệp trong ngành đã hồi phục.
Tại cuộc họp cuối tháng 4, CEO Đặng Huy Hiệp cho biết các mảng kinh doanh vẫn còn rất khó khăn và doanh nghiệp phải chuyển hướng. “Trước đây, thế mạnh của SMC là làm công trình. Nhưng hiện tại, chúng tôi đã chuyển sang mảng dân dụng. Mảng này hiệu quả không cao. Chúng tôi hoạt động chủ yếu để duy trì thị phần và khách hàng”, ông cho biết. Mảng sản xuất ống thép, thép mạ lỗ và đang thu hẹp quy mô.
Bên cạnh sự đi xuống của hoạt động kinh doanh cốt lõi, SMC vẫn chịu chi phí tài chính khá cao khoảng 78 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ), trong đó hơn một nửa là lãi vay.
Thu gần 100 tỷ đồng từ bán trụ sở
Trong bối cảnh đó, việc bán trụ sở và thanh lý tài sản như một giải pháp tạm thời để cứu vãn tình hình.
Công ty thu lãi gần 100 tỷ đồng từ việc bán trụ sở tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh. Một điểm sáng khác là Doanh nghiệp không còn trích lập dự phòng nợ xấu nhiều như trước, thể hiện qua chi phí quản lý giảm.
Tuy nhiên, bấy nhiêu chưa đủ kéo SMC thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ. Trong quý 2/2024, SMC lỗ ròng 107 tỷ đồng, đây là quý lỗ thứ 6 trong 8 quý vừa qua.
Nửa đầu năm có lãi nhờ bán tài sản, nguy cơ trích lập dự phòng
Nhìn rộng ra bức tranh 6 tháng đầu năm, dù lãi ròng 77 tỷ đồng nhưng con số này chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tài sản và bán khoản đầu tư tài chính, không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của SMC vẫn chưa hề có dấu hiệu sáng lên và sắp tới, Công ty phải đối mặt nguy cơ trích lập dự phòng.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Ý Nhi tại cuộc họp tháng 4/2024, nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm gần 300 tỷ đồng cho cả năm 2024. “Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác”, bà nói. Bà Ý Nhi khẳng định SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm 30/06.
Thêm vấn đề khác là việc mắc kẹt gần 1,300 tỷ đồng ở các khoản nợ xấu khiến SMC “cạn vốn” làm ăn, nhất là ở mảng thương mại rất cần vốn để xoay vòng. Để giải quyết vấn đề này, SMC dự tính huy động thêm 730 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu với giá 10,000 đồng/cp. Hiện tại, vẫn chưa rõ đối tượng mua trong đợt phát hành này là ai.
Cuối tháng 6/2024, SMC nắm giữ gần 3,300 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 775 tỷ đồng. Khoản phải thu ở mức gần 1,470 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho ở mức 745 tỷ đồng, giảm so với 840 tỷ đồng đầu năm.
Phía đối ứng, nợ ngắn hạn hơn 4,300 tỷ đồng, trong đó nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn là 2,250 tỷ đồng.
Vũ Hạo
FILI
Các công ty giấy tăng giá, thị trường đang cải thiện
Có kính AI sẽ là xu hướng tiếp theo không?
Thị trường cổ phiếu A tiếp tục giảm dưới mức kỷ lục
Chỉ số Hang Seng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, đóng cửa thấp hơn 301 điểm
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP