Vừa mới bị HoSE quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp tục gây bất ngờ khi bị phát hiện chậm đóng bảo hiểm xã hội 12 tháng và nợ BHXH với tổng số tiền gần 43 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM vừa công khai hàng loạt doanh nghiệp nợ tiền BHXH trên địa bàn thành phố. Số liệu chậm đóng BHXH tính đến hết ngày 30/06/2024, cập nhật UNC đến hết ngày 09/07/2024, cho thấy tổng số nợ BHXH của các doanh nghiệp này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Đáng lưu ý, danh sách này bất ngờ xuất hiện tên ông lớn trong lĩnh vực xây dựng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; mã chứng khoán: HBC) với tổng số tiền nợ BHXH gần 43 tỷ đồng và thời gian chậm đóng BHXH là 12 tháng. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng về năng lực tài chính và ảnh hưởng xấu đến uy tín của Tập đoàn trong lĩnh vực xây dựng.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết vì kinh doanh bết bát
Mới đây nhất, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhận tin dữ khi HoSE thông báo về việc huỷ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu (mã HBC). Lý do hủy niêm yết là do Tập đoàn lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của Tập đoàn là 2.741 tỷ đồng.
Căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020: “1. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: e) Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Căn cứ vào Công văn số 4615/UBCK-PTTT ngày 24/7/2024 của UBCKNN về việc xem xét huỷ niêm yết bắt buộc cổ phiếu. HoSE thông báo về việc cổ phiếu HBC rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc và sẽ thực hiện huỷ niêm yết đối với cổ phiếu này theo quy định.
Trong phiên giao dịch vào cuối tuần qua (lúc 15h05, ngày 26/7), cổ phiếu HBC đang ở gần vùng đáy dài hạn với thị giá 7.250 đồng, giảm 8% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng khoảng 2.500 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/5 so với thời đỉnh cao hồi tháng 10/2017.
Trước đó, ngày 10/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã ban hành Quyết định số 649/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với tổng số tiền 190 triệu đồng.
Theo quyết định trên, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị phạt tiền 65 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đối với các tài liệu gồm: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2022; Thông báo thay đổi thành viên Hội đồng quản trị; Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau soát xét đối với BCTC riêng và hợp nhất bán niên năm 2022 được soát xét; BCTC riêng và hợp nhất quý 4/2022.
Đồng thời, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình còn bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan. Cụ thể, HBC ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 31/3/2020 với người quản lý doanh nghiệp là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị để nhận chuyển nhượng bất động sản từ ông Lê Viết Hải với giá trị 120 tỷ đồng khi chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua.
Áp lực lớn từ nợ ngắn hạn
Báo cáo tài chính quý 2/2024 vừa công bố cho thấy, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có nhiều khởi sắc hơn so với quý 1/2024. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý 2 của Tập đoàn đạt 684,4 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần lợi nhuận của quý 1 (lãi sau thuế đạt 56,6 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.811 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023 là 3.463 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 741 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thanh lý tài sản và hoàn nhập dự phòng. Khoản lãi này cải thiện mạnh so với mức lỗ tới 713 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, tình hình kinh doanh quý 2/2024 đã cải thiện, tuy nhiên Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang đối mặt áp lực rất lớn về các khoản nợ ngắn hạn (nợ ngắn hạn chiếm gần 90% tổng các khoản nợ) phải thanh toán trong năm nay.
Cụ thể, tại thời điểm 30/06/2024, nợ phải trả của HBC ghi nhận là 14.065 tỷ đồng (gấp 9 lần vốn chủ sở hữu tại ngày 30/06/2024 là 1.567 tỷ đồng), gồm nợ ngắn hạn ghi nhận đến 12.719 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.345 tỷ đồng, trong khi đó các khoản phải thu ngắn hạn tại cùng thời điểm chỉ ở mức 11.220 tỷ đồng (nguồn thu không đủ để trả các khoản nợ ngắn hạn).
Trong năm nay, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ gặp áp lực trả các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ước tính khoảng 3.906 tỷ đồng tại các ngân hàng: BIDV (2.079 tỷ đồng), Vietinbank (1.293 tỷ đồng), MSB (190 tỷ đồng), trái phiếu của MSB – chi nhánh TP.HCM (175 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, Tập đoàn còn phải thanh toán các khoản nợ ngắn hạn khác trong năm nay như: Phải trả người bán ngắn hạn (4.051 tỷ đồng), Người mua trả tiền trước ngắn hạn (2.500 tỷ đồng), Chi phí phải trả ngắn hạn (1.020 tỷ đồng)…
Ngoài ra, việc hợp tác làm ăn với các đối tác cũng không thành công. Tính đến hết quý 2/2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ gần 19 tỷ đồng khi đầu tư vào các công ty liên danh liên kết.
Đáng chú ý, tại thời điểm 30/06/2024, Tập đoàn ghi nhận nhiều khoản lỗ khi hợp tác (đầu tư góp vốn) vào các công ty như: Công ty Cổ phần Kỹ thuật Jesco Hòa Bình (lỗ gần 39 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Trang trí Nội thất Onwa Tech (lỗ gần 6 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn và tiền mặt, tính đến hết quý 2/2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế đến 2.498 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 1.567 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số 93 tỷ đồng hồi đầu năm. Nợ vay tài chính (ngắn hạn & dài hạn) ghi nhận 4.485 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Đến ngày 30/6/2024, Tập đoàn chỉ còn lượng tiền khoảng 311 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 10,4 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng 290 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền là 10,3 tỷ đồng.
Quay trở lại với các khoản nợ ngắn hạn, trong năm nay, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phải thanh toán công nợ là 12.719 tỷ đồng, trong khi đó các nguồn thu ngắn hạn chỉ rơi vào khoảng 11.220 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn phải cần huy động thêm một lượng tiền rất lớn khoảng 1.499 tỷ đồng để thanh toán các công nợ ngắn hạn cho các đối tác, ngân hàng…
Trong bối cảnh áp lực trả nợ lớn nhưng lượng tiền mặt hiện chỉ còn khoảng 311 tỷ đồng, từ đây đến cuối năm nay, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ đối mặt với bài toán tài chính nan giải.
Trở lại với sàn chứng khoán HoSE, HBC đang rơi vào tình trạng “trắng bên mua”. Trong khi bên bán lệnh giá sàn chất chồng hơn 10,6 triệu cổ phiếu dư bán. Với phiên giảm sàn này, HBC giảm xuống chỉ còn 6.750 đồng.
Trần Lân-LINK GỐC
Các công ty giấy tăng giá, thị trường đang cải thiện
Có kính AI sẽ là xu hướng tiếp theo không?
Thị trường cổ phiếu A tiếp tục giảm dưới mức kỷ lục
Chỉ số Hang Seng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, đóng cửa thấp hơn 301 điểm
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP