Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định là sẽ có nhiều động lực và cơ hội mới khi bước sang tuổi thứ 25. Đồng thời, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025 kỳ vọng sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch và sôi động hơn.
Điều này được đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp phân tích, chỉ rõ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới” do báo Đầu tư vừa tổ chức.
Nhìn lại hoạt động thị trường chứng khoán 24 năm qua, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhấn mạnh, nếu theo tính thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tự tin là 1 trong những thị trường sôi động nhất tại Đông Nam Á. Chỉ với 2 cổ phiếu đầu tiên, tới nay đã có hơn 1800 cổ phiếu được đăng ký niêm yết giao dịch. Mức vốn hóa thị trường lên tới 70% GDP (300 tỷ USD). Đáng chú ý năm 2024, thanh khoản của thị trường luôn ở mức gần 1 tỷ USD. Đó là chưa kể khối lượng trên thị trường trái phiếu chính phủ (khoảng 8-9 nghìn tỷ đồng/phiên) và trái phiếu doanh nghiệp.
Tới đây, việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và quan trọng là hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển sôi động và minh bạch hơn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới niêm yết, thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Ảnh minh họa: KT
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, cho rằng: “Cơ hội cho thị trường phát triển còn rất nhiều. Nếu như 10 năm trước, quy mô của thị trường 60 tỷ USD, thì nay đã là hơn 200 tỷ USD, nó đã tăng vượt bậc. Chưa kể trước chúng ta có số lượng nhỏ, thì nay đã tăng lên gần 1.800 công ty. Như vậy, cơ hội thị trường rất lớn, mở ra cơ hội tham gia của nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc tăng quy mô của thị trường”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tecombank (TCBS), trong tương lai, việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các kênh đầu tư là một xu thế tất yếu và sẽ có nhiều cơ hội thực sự cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư không nên để toàn bộ trứng vào một rổ. Các nhà đầu tư nên đa dạng hóa giữa trái phiếu, giữa cổ phiếu, giữa chứng chỉ quỹ. Ngay trong phần đầu tư vào trái phiếu, thì cũng nên chọn kỳ hạn phù hợp với từng nhà đầu tư. Nếu cần dòng tiền thì nhà đầu tư có thể tái đầu tư được. Vì bây giờ trên thị trường đã có rất nhiều trái phiếu với kỳ hạn khác nhau để lựa chọn. Ví dụ, nhà đầu tư có thể tích lũy dần dần và sau 3 năm mua nhà thì có thể chọn kỳ hạn dài hơn. Còn những người sẽ chọn những sản phẩm là 6 tháng, 12 tháng... đều có trên thị trường. Không phải như ngày trước người mua phải nắm giữ 3 năm, mà nay có thể giao dịch trên thị trường thứ cấp. Tức là tính thanh khoản của thị trường trái phiếu đã linh hoạt hơn, tùy thuộc vào quyết định, khẩu vị và nhu cầu đầu tư từng người” - bà Hiền cho biết.
Cùng với nỗ lực nâng hạng thị trường và rà soát quy định pháp lý sẽ là cơ sở để việc tham gia thị trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng hướng tới mục tiêu có thể đạt được đó là phát triển TTCK Việt Nam mạnh mẽ và sôi động, mang lại hiệu quả đầu tư cho các thành viên toàn thị trường và thu hút nhiều hơn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hà Nho/VOV1
Link gốc
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP