Chủ động chỉnh giá vốn, Imexpharm tiếp tục có quý đi lùi
Theo BCTC quý 2/2024, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) ghi nhận lãi sau thuế giảm 17% vì giá vốn tăng cao. Tuy nhiên, giá vốn tăng một phần do sự chủ động của Imexpharm trong việc điều chỉnh hàng tồn để phù hợp với bối cảnh thị trường OTC (thuốc không kê đơn) trầm lắng.
Kết quả kinh doanh quý 2 của IMP |
Trong quý 2, doanh thu Imexpharm tăng 18% so với cùng kỳ, ghi nhận 517 tỷ đồng. Giá vốn tăng khá mạnh lên 317 tỷ đồng (28%). Do vậy, lãi gộp còn 201 tỷ đồng, tăng 4%.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 74% còn gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí đều tăng (chi phí bán hàng tăng 18%, quản lý doanh nghiệp tăng 22%). Sau cùng, Doanh nghiệp lãi sau thuế 66 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 17%.
Doanh nghiệp cho biết giá vốn hàng bán tăng một phần do Imexpharm chủ động điều chỉnh hàng tồn kho phù hợp với bối cảnh thị trường OTC trầm lắng. Ngoài ra, do khấu hao nhà máy IMP4 theo kế hoạch và tăng giá hoạt chất. Những yếu tố này được bù đắp một phần nhờ sự kiểm soát hiệu quả chi phí bán hàng và quản lý chung, với mức giảm 6% so với cùng kỳ xuống còn 213 tỷ đồng.
Đây là quý thứ 3 liên tiếp, Imexpharm báo lãi giảm. Lũy kế 6 tháng, Doanh nghiệp đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 128 tỷ đồng, giảm 19%. So với kế hoạch được thông qua từ ĐHĐCĐ 2024, Doanh nghiệp thực hiện được 43% mục tiêu doanh thu và 38% kế hoạch lãi trước thuế năm.
Cũng cần lưu ý, 2023 là thời điểm Imexpharm đạt lợi nhuận kỷ lục, thậm chí phá kỷ lục xác lập trước đó một năm, nên cũng không quá khó hiểu khi kết quả trong kỳ đi xuống. Tuy vậy, tháng 2/2024, Chính phủ đã công bố Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam, với năng lực sản xuất nội địa được kỳ vọng đáp ứng 80% nhu cầu dược phẩm trong nước và chiếm 70% giá trị toàn thị trường vào năm 2030. Kế hoạch này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có Imexpharm. Do vậy, Doanh nghiệp khẳng định vẫn tự tin hoàn thành kế hoạch năm nay.
Theo thông tin công bố, trong 6 tháng đầu năm 2024, Imexpharm đã ra mắt 10 SKU mới và đang triển khai 93 dự án R&D. Ngoài ra, Doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Genuone Sciences Inc. để thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến từ Hàn Quốc, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc phức tạp ngoài kháng sinh, bao gồm tiểu đường và tim mạch.
Đặc biệt, với các sản phẩm thuốc ở phân khúc giá trị cao, Imexpharm đã tăng sản lượng tại các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP là IMP2, IMP3 và IMP4, đồng thời điều chỉnh giảm sản lượng IMP1 để phù hợp với tình hình thị trường OTC đang ảm đạm.
Kết quả tốt từ các năm trước cho phép Imexpharm có nguồn tài chính dồi dào. Kết thúc quý 2, tổng tài sản của Doanh nghiệp đạt hơn 2.5 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, với gần 1.36 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, tăng 13%.
Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ đạt gần 260 tỷ đồng, tăng 30%. Tồn kho tăng nhẹ lên 713 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản chi phí tái xét duyệt EU-GMP tăng 64% lên hơn 18 tỷ đồng, được ghi nhận vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Ở phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn dù tăng 39% nhưng chỉ lên 427 tỷ đồng, chiếm toàn bộ nợ phải trả. Hệ số tài chính ở mức an toàn, với hệ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh lần lượt đạt 3.2 lần và 1.5 lần.
Châu An
FILI
Byte bác bỏ tin đồn về việc đầu cơ trên các cổ phiếu khái niệm Doubao trên thị trường A-share
Làm thế nào để phát triển một nền kinh tế độ cao thấp
Khái niệm Doubao tăng mạnh, nền kinh tế IPO phát triển mạnh
5G bước vào "nửa sau", cổ phiếu nào là tốt nhất để mua
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP