Sẽ không bất ngờ nếu thời gian tới sàn chứng khoán Việt chào đón tân binh Vạn Đạt Group, bên cạnh nhiều mã cổ phiếu ngành dệt may như STK, MSH, TNG, TCM, VGT…
Ngày 15/5/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn số 3074/UBCK-GSĐC xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng đối với Công ty CP Vạn Đạt Group. Hiện tại, công ty có vốn điều lệ ở mức 50 tỷ đồng.
Nếu thành công trong việc trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp này sẽ có cơ hội khẳng định uy tín, minh bạch và công khai. Hệ thống quản lý chặt chẽ sẽ nâng cao được vị thế của Vạn Đạt Group trên thị trường, dễ dàng hơn trong việc huy động vốn đầu tư. Ngoài ra, việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông cũng sẽ trở nên dễ dàng và an toàn hơn.
Công ty CP Vạn Đạt Group.
Về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Vạn Đạt Group có sự tăng trưởng về doanh thu nhưng sụt giảm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 213,4 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, khoản mục lợi nhuận khác của Vạn Đạt Group ghi nhận mức lỗ gần 134 triệu đồng, cùng kỳ cũng lỗ 68 triệu đồng.
Doanh thu tài chính tăng mạnh 1975%, tuy nhiên đóng góp không đáng kể trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này, đạt vỏn vẹn 11 triệu đồng.
Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, Vạn Đạt Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,6 tỷ đồng, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận chủ yếu đến từ việc gia tăng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2023 đạt gần 88 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với thời điểm cuối năm 2022, chủ yếu đến từ việc công ty đẩy mạnh công tác bán hàng nhập hàng tồn kho sau đó bán hàng giúp tăng lượng tiền mặt.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024, Vạn Đạt Group đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 235 tỷ đồng, tăng 10,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 2,8 tỷ đồng, tăng 8,9% so với thực hiện năm 2023. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn giữ nguyên vốn điều lệ ở mức 50 tỷ đồng trong năm 2024. Theo Vạn Đạt Group, công ty sẽ tiếp tục tập trung thương mại sản phẩm sợi, chỉ may trong năm nay.
Hội đồng quản trị của Vạn Đạt Group hiện gồm 3 thành viên, bao gồm: Chủ tịch HĐQT Trần Văn Anh (sinh năm 1977). Ông Anh đã bắt đầu làm việc ngay từ những ngày đầu thành lập công ty (tháng 8/2019) với vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty. Đến tháng 3/2022 đến tháng 8/2023, ông Anh chỉ nắm giữ chức vụ Giám đốc Vạn Đạt Group và ông nắm giữ Chức vụ Chủ tịch HĐQT từ tháng 8/2023 đến nay. Hiện tại, ông Trần Văn Anh đang sở hữu 3,05 triệu cổ phần của Vạn Đạt Group, tương ứng 61% tổng số cổ phần của công ty.
Ngoài ông Trần Văn Anh, Hội đồng quản trị của của Vạn Đạt Group còn có 2 thành viên, gồm ông Guo GuoZheng (là Thành viên HĐQT không điều hành) và ông Trần Lâm Hoàng (là thành viên HĐQT độc lập).
Vị trí Giám đốc của Vạn Đạt Group hiện đang được ông Lê Viết Minh Pháp (sinh năm 1991) nắm giữ. Ông Pháp bắt đầu làm việc tại Vạn Đạt Group từ tháng 7/2020 với vị trí Phó Giám đốc và bắt đầu giữ vị trí Giám đốc công ty từ tháng 8/2023 đến nay. Ông Pháp hiện không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào của Vạn Đạt Group.
Theo tìm hiểu, Vạn Đạt Group được thành lập từ năm 2019, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại các sản phẩm chỉ dệt may. Với quy mô vốn vẫn còn khiêm tốn, do đó doanh thu và lợi nhuận của Vạn Đạt Group vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Triển vọng ngành dệt may trong năm 2024
Dệt may là một ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta, cho dù không phải là sản phẩm thiết yếu nhưng sản phẩm dệt may là sản phẩm tiêu dùng được ưa chuộng hàng đầu thế giới. Sản phẩm dệt may của Việt Nam cũng được đánh giá cao trên trường quốc tế;
Ưu thế của ngành dệt may là không cần nguồn lao động có trình độ cao, nguồn lao động tại Việt Nam rất rẻ. Các doanh nghiệp ngành dệt may không đòi hỏi phải cho chi phí đầu tư rất lớn, quy mô nhỏ và vừa thì vẫn có thể sản xuất tốt;
Chu kỳ sản xuất và các sản phẩm của ngành dệt may sẽ thay đổi theo mùa, theo phong tục tập quán mỗi nơi và thị hiếu của người tiêu dùng. Chỉ cần một trong những yếu tố trên biến động thì hoạt động sản xuất và doanh thu bán hàng của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cầu dệt may giảm thì doanh nghiệp cũng phải cắt giảm đơn hàng, nhân sự khiến tình hình kinh doanh giảm sút, thị giá cổ phiếu ngành dệt may giảm.
Ngược lại, cầu dệt may tăng thì doanh nghiệp cần mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất lao động, từ đó tăng sản lượng, tăng doanh thu, khiến thị giá cổ phiếu ngành dệt may cũng tăng trưởng hơn.
Giá các nguyên liệu đầu vào như giá bông, xơ, sợi, vải đều ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Muốn tăng lợi nhuận thì ban quản trị doanh nghiệp phải có cách cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào xuống.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - ông Vũ Đức Giang đã nhận định năm 2024, ngành dệt may của nước ta sẽ có nhiều cơ hội mới. Trong đó, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đang được thực thi, 3 hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán nhưng cũng sớm có hiệu lực. VITAS đặt mục tiêu cho ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024 này.
Đình Tư-Link gốc
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP