Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, cảng Gemalink thuộc Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) hiện là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất, chiếm gần 20% công suất toàn khu vực. Bên cạnh đó, sản lượng qua cảng này đang được đảm bảo nhờ việc Tập đoàn Gemadept sở hữu các ưu thế đặc biệt.
Sản lượng qua cảng Gemalink của Tập đoàn Gemadept đang tăng trưởng nhanh và dự kiến sẽ sớm lấp đầy công suất giai đoạn 1.
Nhóm cảng container miền Nam hiện là nhóm cảng có quy mô lớn nhất Việt Nam, với hai cụm cảng chính ở TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản lượng khai thác hàng container tại hai khu vực này chiếm đến hơn 66% cả nước nhờ nguồn hàng xuất nhập khẩu đến từ các khu công nghiệp lớn tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An,...tập trung vận chuyển qua cảng. Đồng thời, hạ tầng kho bãi và cảng biển tại khu vực này liên tục được đầu tư mạnh mẽ, giúp thu hút hàng hóa từ các tỉnh lân cận về làm hàng với chi phí thấp.
Trong đó, cụm cảng TP.Hồ Chí Minh xếp dỡ cho các tàu feeder (tàu trung chuyển container) cỡ 2.500 TEU đi tuyến nội địa và Nội Á (Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Đông). Còn cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu chuyên xếp dỡ cho các tàu mẹ cỡ 24.000 TEU, phục vụ các tuyến xa đi Bắc Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt, Quốc lộ 51 - tuyến đường bộ duy nhất vào khu vực cụm cảng Cái Mép hiện đang trong tình trạng quá tải với lưu lượng xe vượt gấp 4 lần công suất thiết kế. Cùng với một số hạn chế về cơ sở hạ tầng khác của Bà Rịa - Vũng Tàu, nên hầu hết các chủ hàng chọn phương án thông quan hàng hoá tại cảng biển và cảng cạn (ICD) thuộc khu vực TP.Hồ Chí Minh, sau đó trung chuyển bằng tàu xà lan theo đường thuỷ tới cụm cảng Cái Mép, thay vì vận chuyển đường bộ trực tiếp tới cảng Cái Mép để xuất khẩu.
Chuỗi cung ứng hàng container bằng đường biển tại khu vực miền Nam hiện nay. (Nguồn: FPTS Research)
Do đó, mặc dù cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và cụm cảng TP.Hồ Chí Minh khai thác các phân khúc khác nhau, đến 70% lượng hàng container xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép đều được trung chuyển bằng xà lan qua TP.Hồ Chí Minh.
Điều này khiến các doanh nghiệp logistics phụ thuộc lớn vào tình trạng thông quan tại khu vực TP.Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) đang trực tiếp sở hữu và vận hành cảng cạn Phước Long ICD (Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) và cảng Bình Dương (tại ngã ba Bình Dương, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh) với tổng công suất đạt 800.000 TEU/năm. Trong đó, Phước Long ICD là một trong 5 cảng cạn có năng lực thông quan cao hàng đầu khu vực TP.Hồ Chí Minh.
Hai cảng sẽ đóng vai trò tập trung và làm thủ tục thông quan hàng hóa cho các khu công nghiệp lân cận, sau đó trung chuyển bằng sà lan đường thủy tới Cảng Gemalink thuộc Tập đoàn Gemadept tại Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa lên tàu mẹ. Hệ thống logistics khép kín này giúp hoàn thiện chuỗi cung ứng của Tập đoàn Gemadept cạnh tranh với các đối thủ lớn tại cụm cảng Cái Mép.
Bên cạnh đó, việc khép kín chuỗi giá trị logistics cũng giúp Tập đoàn Gemadept tiết giảm chi phí thuê ngoài, và thu hút đáng kể lượng hàng để tập trung sản lượng cho Cảng Gemalink.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GMD của Tập đoàn Gemadept trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
Thực tế cho thấy, nhờ có nguồn hàng dồi dào từ các khu công nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tới Mỹ và châu Âu, cùng việc sở hữu cảng nước sâu Gemalink đáp ứng xếp dỡ lên tàu, sản lượng hàng container thông qua cảng Bình Dương và Phước Long ICD thuộc Tập đoàn Gemadept đã duy trì mức tăng trưởng kép trung bình năm (CAGR) ở mức 4,4%/năm trong giai đoạn 2018 - 2023, đạt 917.000 TEU trong năm 2023 mặc dù thị trường chung suy yếu đáng kể.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán FPT, sản lượng hàng container thông qua hai cảng cạn trên của Tập đoàn Gemadept sẽ tăng trưởng tới 20% trong năm nay nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu hồi phục và duy trì ở mức 1,2 triệu TEU/năm giai đoạn 2025 - 2028 khi hai cảng đã hoạt động vượt mức tối đa công suất.
Trong trung hạn, mặc dù cảng Phước Long ICD là 1 trong 5 cảng cạn có chủ trương buộc phải di dời khỏi TP.Hồ Chí Minh do sản lượng thông quan cao đang ngày càng gây áp lực tắc nghẽn giao thông trong khu vực. Tuy nhiên, UBND TP.Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa có quy hoạch và kế hoạch chi tiết về vấn đề này.
Bên cạnh đó, như Tạp chí Công Thương đã phân tích, với việc dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến thông xe vào giữa năm 2025, lượng hàng hoá tại các khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai có thể sẽ được chuyển về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thay vì vào khu vực cảng tại TP.Hồ Chí Minh. Qua đó, đảm bảo sản lượng của Cảng Gemalink ngay cả khi cảng Phước Long ICD bị giải toả.
Duy Quang-Link gốc
Các lĩnh vực chính để quỹ hỗ trợ chung tạo lợi nhuận trong năm 2025
Chó robot của Yushu Technology làm nổ tung thị trường!
Byte bác bỏ tin đồn về việc đầu cơ trên các cổ phiếu khái niệm Doubao trên thị trường A-share
Làm thế nào để phát triển một nền kinh tế độ cao thấp
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP