Hàng loạt chính sách nhằm mở rộng các điều kiện hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ ban hành.
Ngày 17/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024.
Số tiền thuế đã được gia hạn trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Bộ Tài chính
Trợ lực cho doanh nghiệp, tiêu dùng
Theo Nghị định 64/2024/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế tùy đối tượng cụ thể sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế VAT phát sinh phải nộp,…
Theo ước tính của Bộ Tài chính, tổng giá trị chương trình trong cả năm 2024 lên tới gần 84.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế VAT gia hạn từ tháng 5 - 9/2024 và quý 2, quý 3/2024 là khoảng 52.400 tỷ đồng. Riêng các gói hỗ trợ đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68.000 tỷ đồng.
Bà Lý Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, đây là chính sách trợ lực kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ gia hạn thuế, doanh nghiệp giảm ngay áp lực dòng tiền, dồn vốn để chuẩn bị thu mua nguyên vật liệu sản xuất, sẵn sàng cho các đơn hàng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024.
Đối với quyết định tiếp tục gia hạn giảm thuế VAT 2%, các doanh nghiệp đề cao ý nghĩa lớn trong hỗ trợ kích thích tiêu dùng, vừa khơi đầu ra cho doanh nghiệp, giảm cạnh tranh bằng giá bán và tăng năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp và người dân đều lợi.
Dư địa cho tài khóa nghịch chu kỳ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc thực hiện các chính sách gia hạn thuế của Chính phủ đã và đang góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Về phía Bộ Tài chính, khi thực hiện mục tiêu cân đối ngân sách Nhà nước, theo kế hoạch được triển khai thì số thu ngân sách của năm 2024 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sản xuất và sức khỏe vẫn còn chưa hoàn toàn cải thiện sau Covid-19 và giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát trên toàn cầu. Theo đó, mặc dù một số lĩnh vực, ví dụ nhóm xuất khẩu với điện tử, dệt may, thủy sản… phục hồi đơn hàng nhưng vẫn còn mong manh. Bài toán đảm bảo thu - chi ngân sách Nhà nước, vừa tăng lực đầu tư, hỗ trợ không bội chi và không tăng nợ công là không dễ dàng đối với các nhà quản lý. Tuy nhiên, lựa chọn chính sách tài khóa nghịch chu kỳ tiếp tục là quyết sách phù hợp và là điểm tựa thúc đẩy tăng trưởng GDP.
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho rằng, thận trọng tài khóa là cần thiết nhưng sẽ không có lợi trong thời điểm chi tiêu Chính phủ được xem là động lực quan trọng của tăng trưởng. Vì vậy, chính sách tài khóa cần những thay đổi để phù hợp với tình hình mới, với các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế.
“Cần tiếp tục các chính sách tài khóa nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, lương tăng sẽ kích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu. Việt Nam có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, để kích cầu”, ông Cường phân tích và khuyến nghị Chính phủ cần chấp nhận thâm hụt ngân sách Nhà nước cao hơn trong giai đoạn khó khăn, hay nói cách khác là áp dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ một cách chủ động.
Tiền đề cho chuyển động tài khóa
Các chuyên gia của World Bank cũng cho rằng, các biện pháp chính sách tài khóa mở rộng được duy trì có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi ổn định khu vực tài chính vẫn cần phải là ưu tiên hàng đầu. “Hỗ trợ chính sách nên được tiếp tục để thúc đẩy phục hồi. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh”, World Bank khuyến nghị.
Chính sách tài khóa được khuyến nghị giữ mở rộng để phù hợp tình hình và các giải pháp điều chỉnh tổng cầu cụ thể của nền kinh tế. Ảnh: Quốc Tuấn
Đặc biệt, với chính sách tiền tệ đã đi trước nới lỏng, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất đã trở nên hạn chế hơn, do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế và do áp lực có thể gây ra đối với tỷ giá trong năm 2024, rõ ràng, hiệu quả từ “đòn bẩy” tài chính càng cần được tận dụng tối đa.
Đáng chú ý, Chính phủ mới đây cũng đã có yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm tăng vốn cho các đầu tư trọng điểm; đồng thời yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu ban hành nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Đây được kỳ vọng cũng sẽ là cơ sở, tiền đề cho các chuyển động tài khóa trong năm tới 2025.
Link gốc
Tại sao cuộc hành trình dầu mỏ đang nóng lên trong năm mới?
Kim loại quý tăng giá, cách phân bổ trong trung và dài hạn
Các lĩnh vực chính để quỹ hỗ trợ chung tạo lợi nhuận trong năm 2025
Chó robot của Yushu Technology làm nổ tung thị trường!
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP