Hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp được ghi nhận có sự phục hồi song vẫn thiếu bền vững và chứa đựng nhiều rủi ro.
Khu vực doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 98.825 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2019-2023 với 83.109 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Cũng trong 5 tháng năm 2024 có 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 66.072 doanh nghiệp, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 23.262 doanh nghiệp, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 202; số doanh nghiệp giải thể là 7.965 doanh nghiệp, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt, tính chung 5 tháng đầu năm, có 98.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp.
Đặc biệt, riêng trong tháng 5/2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường với 11.400 doanh nghiệp - Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, 5 tháng đầu năm 2024, bức tranh doanh nghiệp đã có sự phục hồi so với những tháng đầu năm. “Điều này thể hiện rất rõ qua nhiều khía cạnh như: Thương mại, xuất nhập khẩu phục hồi tốt, trong đó doanh nghiệp sản xuất gắn với xuất khẩu đã quay trở lại thị trường tương đối nhiều”.
Bên cạnh đó là tín hiệu tốt từ chỉ số quản trị mua hàng (PMI), sản xuất công nghiệp, xuất khẩu,... đều cho thấy sự khởi sắc của khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, dịch vụ du lịch, nhất là du lịch quốc tế cũng đã thấy được sự khởi sắc mạnh mẽ. Điều này kéo theo các dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí, đó là yếu tố tích cực, tạo đà phục hồi của doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm.
Mặc dù có tín hiệu phục hồi, nhưng khu vực doanh nghiệp được nhận định vẫn đối diện nhiều thách thức
.. cơ hội còn mong manh, đối mặt với nhiều rủi ro
Mặc dù có tín hiệu hồi phục, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đứng trước nhiều lựa chọn chính sách khác nhau về những vấn đề toàn cầu và trong nước. Các yếu tố này đã tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn.
Tương tự như vậy, áp lực lạm phát, tỷ giá cũng đang gia tăng; sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp…
“Thị trường bất động sản dù có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tăng trưởng tín dụng chưa cao, 5 tháng mới đạt 2,41%, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn... Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt, các doanh nghiệp thành lập mới có quy mô ngày càng nhỏ, điều này thể hiện qua số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 5/2024 có 13.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 93.224 tỷ đồng, tăng 9,2% về số doanh nghiệp nhưng giảm 10,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp càng nhỏ thì đối diện với khó khăn càng lớn.
TS Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng: Mặc dù quay lại thị trường và có đơn hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nhiều tín dụng. Điều này thể hiện qua tăng trưởng tín dụng chưa cao, lợi nhuận của doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
“Tất cả những yếu tố trên cho thấy, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần những giải pháp căn cơ hơn để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, ít nhất là đến hết năm 2024, thậm chí có thể sang năm 2025 khi tình hình có dấu hiệu tốt hơn” - TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất.
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024 mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.
Cùng với đó, cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, giãn hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra. Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm tăng thêm các đơn hàng mới, phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, khơi thông thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính và tiền tệ… cũng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc phát triển không chỉ trong năm 2024, mà cả trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, và các năm tiếp theo.
Nguyễn Hòa-Link gốc
Các công ty giấy tăng giá, thị trường đang cải thiện
Có kính AI sẽ là xu hướng tiếp theo không?
Thị trường cổ phiếu A tiếp tục giảm dưới mức kỷ lục
Chỉ số Hang Seng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, đóng cửa thấp hơn 301 điểm
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP